Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

GIẢI PHẪU MỘT CUỘC TRANH CÃI - DIỄN GIẢ MIKE GEORGE


Dường như rất nhiều người lớn lên trong hoàn cảnh nơi việc tranh cãi là một nét sống quen thuộc trong cuộc sống gia đình. Họ phát triển thiên hướng tranh cãi ngay từ đầu đời và rồi trong suốt cuộc đời sau này, ta thường thấy họ tìm kiếm một cuộc tranh cãi dù là ý thức hay vô thức. Và khi họ không hề có động cơ tiêu cực (chỉ là thói quen), những người khác cũng cảm thấy chán ngán và đôi lúc phát bực lên vì cái bản tính ưa tranh cãi của họ.



Bạn có bao giờ tranh cãi không? Khi ta tranh cãi nghĩa là ta có một quan điểm, và trái tim của quan điểm của ta chính là niềm tin. Khi ta nghe thấy niềm tin của người khác, ta liền cãi lại bởi ta thấy rằng niềm tin của họ trực tiếp là một mối nguy đối với ta. Vì sao? Bởi ta đã chấp vào đó, và đã đồng nhất mình với nó, với cái niềm tin của ta. Và thế là ta giải mã rằng niềm tin của người khác như là một cuộc công kích cá nhân. Trước khi biết được điều đó, hoặc ta kháng cự, hoặc tấn công, nghĩ là ta tạo nên cả nỗi sợ hãi lẫn thói hung hăng, hiếu chiến, nghĩa là ta đang tự gây ra những đau đớn về mặt cảm xúc cho chính mình.

Rất nhiều người đến với một buổi nói chuyện “trang bị” với các quan điểm của mình, chuẩn bị phòng thủ cho niềm tin của mình, và sẵn sàng chiến đấu. Tước vũ khí của họ thật dễ dàng. Tất cả những gì bạn cần nói là, “Thật là một cách nhìn nhận thú vị. Không chắc là tôi cùng quan điểm với anh, nhưng tôi cũng đã thấy được anh nhìn nhận thế nào.” Nếu ta thấy khó mà làm được như vậy là bởi vì ta tin rằng mình mới đúng và ta muốn chứng minh rằng mình đúng, còn họ thì sai, bởi khi ta đúng ta thấy hạnh phúc! Ta đúng thì ta thấy mình giỏi giang, và cảm thấy mình giỏi giang là cách tuyệt vời nhất để tránh được cái khả năng cảm thấy kém cỏi. Thế là mình đúng, mình giỏi giang và mình hạnh phúc trở nên đồng nghĩa với nhau. Nhưng hiển nhiên, đó không phải hạnh phúc đích thực bởi trong quá trình cố gắng chứng tỏ cái đúng của mình, ta bị căng thẳng và thậm chí nổi cáu vì người kia không “hiểu ra” hay thừa nhận ra “tôi đúng”. Khả năng thua cuộc tranh luận trở thành khả năng mất mặt. 

Và rồi có những người cố tình tìm kiếm một cuộc tranh cãi bất kể ai đúng ai sai. Họ hậm hực muốn chiến đấu để có thể bao biện và thỏa mãn cho thói nghiện ngập với những cảm xúc như lo âu, giận giữ và có thể cả ghét bỏ nữa. Như bị nghiện nặng, nếu đã cho những cảm xúc này vào rồi, chúng sẽ phải “được cảm thấy” mỗi ngày. Cứ như vậy, một số người cứ thế phát triển “thái độ tranh cãi”. Họ thách thức rằng “ Nào, tôi thách anh dám trái quan điểm với tôi đấy”, như thế cũng là nói rằng “Nào, ấn nút của tôi đi, làm tới đi”! 

Nhưng có một quan điểm thì cũng tốt chứ sao. Nếu ta không có một quan điểm về những vấn đề quan trọng mà ta tin tưởng thì ta sẽ bị coi là yếu đuối – phải thế không? Và nếu ta không đứng lên và đấu tranh cho điều đúng trong quan điểm của mình, có thể ta sẽ bị coi là nhu nhược, ba phải, là không có chính kiến. Chính vì thế mà có những người cứ khư khư giữ lấy một quan điểm về bất cứ cái gì và về tất cả mọi thứ. Nhưng khoan đã nào – vào cái khoảnh khắc ta thể hiện quan điểm của mình, nếu như ta lại tự vệ để giữ vị trí của mình hoặc ta đang phòng thủ để chống lại một quan điểm khác, thì đó chính là chỗ sinh ra mâu thuẫn và là hạt mầm của đấu đá. Tất cả các cuộc đấu đá, căn nguyên đều do khác biệt về quan điểm, là sự va chạm niềm tin, và những cảm xúc và hành động kéo theo thì trước hết là bạo lực với chính mình, và sau đó là xâm phạm người khác. Sau đó sự thật này bị che đậy bằng luận điệu rằng,  “Ta phải mạnh để chiến đấu quyết liệt”, thực chất chỉ là một cách trốn tránh, “Ta không đủ mạnh để ‘bỏ qua’ cái nhu cầu là mình phải đúng” và “Ta không có dũng khí hay lòng kiên nhẫn để chuyển một cuộc tranh cãi thành đối thoại”... và nguyên tắc đầu tiên của đối thoại luôn là tìm cách để thực sự thấu hiểu chỗ đứng và do đó hiểu được quan điểm nhìn nhận của họ. 



Cần phải có dũng cảm để có một quan điểm, mà vẫn hoàn toàn quan tâm hứng thú với quan điểm của người khác tới mức ta sẵn lòng thay đổi cách nhìn của mình! Điều này nói lên rằng, “Tôi linh hoạt và tôi công nhận rằng có rất nhiều góc nhìn”. Nó chỉ ra rằng “Tôi khiêm nhường để học hỏi từ anh”, và “tôi tìm kiếm để gặp gỡ anh ở những điểm chung mà ta chia sẻ, chứ không phải đấu đá với anh vì một lãnh thổ đã được công bố”.

Đâu là sự khác biệt giữa một cuộc thảo luận, một cuộc đối thoại và một cuộc tranh cãi? Nói ngắn gọn, một cuộc thảo luận là trao đổi quan điểm một cách cởi mở, một cuộc đối thoại là là cùng nhau khám phá ý nghĩa còn một cuộc tranh cãi là một cuộc chiến quan điểm. 

Một cuộc tranh cãi là sự gặp gỡ giữa hai cái đầu khép kín. Một cuộc thảo luận sẽ chỉ xảy ra khi ta cởi mở trước ý kiến của người khác. Một cuộc đối thoại chỉ diễn ra khi hai bên tham gia hợp tác để khơi mở một trí tuệ uyên thâm hơn và đồng sáng tạo nên một hiểu biết mới. Trong một cuộc tranh cãi 1 + 1 = chẳng gì cả. Trong một cuộc thảo luận 1 + 1 = 2.  Trong một cuộc đối thoại 1 + 1 = 3.  Trong đối thoại thì nghe nhiều hơn nói, trong một cuộc thảo luận thì có sự trao đổi ngang bằng giữa những người bạn, còn trong một cuộc tranh cãi thì có chiến tranh! Một tâm hồn được khai sáng sẽ đi từ một cuộc tranh cãi, sang thảo luận đến đối thoại, một qui trình được định hướng không chỉ bằng nhu cầu rằng mình đúng, mà bằng một lòng cầu thị chân thành cùng với ý định muốn thấu hiểu người kia. Sự có mặt của lòng hiếu kì thường là một dấu hiệu tốt của sự thiếu vắng cái tôi.


Một hôm có ba học trò đến gặp sư phụ của mình. Vị sư phụ cầm trên tay một bông hoa và hỏi các trò thấy hoa màu gì. Trò đầu tiên đáp, “màu đỏ gạch”. Vị sư phụ nói, “Con nói đúng”. Trò thứ hai đáp “Con thấy màu tím biếc”. Và sư phụ đáp rằng “Con nói đúng.” Học trò thứ ba nói, “nhưng, thưa thầy, không thể nào cả hai đều đúng được.” Sư phụ trả lời, “Con nói đúng”! 

Câu hỏi: Bạn thấy mình hay tranh cãi với ai nhiều nhất, bất kể bằng lời hay bằng ý nghĩ, bạn tranh cãi với họ về vấn đề gì, và vì sao bạn lại tranh cãi với họ... một cách thực sự?

Suy ngẫm: Hãy hình dung mình đang trao đổi ý kiến với người đó và bạn đang lắng nghe chăm chú nhất và đến cuối cuộc trò chuyện, bạn để cho họ nói lời kết. Cuộc trò chuyện sẽ ra sao nhỉ?

Hành động: Tuần này, hãy thực hành đối thoại với một người khác. Hãy chọn một người, một chủ đề, một nơi gặp nhau, chọn ra ba câu hỏi xoay quanh chủ đề và rồi khai thác thông tin từ bộ não của nhau bằng cách đặt câu hỏi một cách tự nhiên, trôi chảy. 

Mike George
Inner Space chuyển ngữ


Đọc thêm những bài viết khác của tác giả Mike George

 NGHỆ THUẬT LÃNH ĐẠO TỪ TRÁI TIM

 CÓ PHẢI THÀNH CÔNG LÀ ‘NHIỀU THÊM NỮA’?

0 nhận xét :

Đăng nhận xét